Tìm kiếm
Khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023: “Kiến tạo dữ liệu số, thúc đẩy liên kết vùng”
Ngày cập nhật 15/12/2023
Sáng 14/12/2023, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 với chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số, thúc đẩy liên kết vùng” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức đã chính thức khai mạc tại thành phố Huế.
 
Tham dự lễ khai mạc về phía lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, Trung ương có đồng chí Phạm Xuân Viết - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; đồng chí Trần Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ; Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Bộ Công an. Về phía lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí NguyễnThị Ái Vân – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Về phía lãnh đạo VINASA có ông Nguyễn Đình Thắng – Hội đồng sáng lập VINASA; ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT; ông Nguyễn Tử Quảng – Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, Phó Chủ tịch VINASA; ông Nguyễn Mạnh Hổ - Phó Chủ tịch VINASA, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions); bà Nguyễn Thị Thu Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin.
 
Cắt băng khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023
 
Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2023 với hơn 20 hoạt động phong phú diễn ra trong tháng 12/2023, trong đó, các hoạt động trọng tâm và nổi bật nhất diễn ra trong ngày 14/12/2023. Sự kiện thu hút hơn 2.000 lượt khách tham dự đại diện các cơ quan, Bộ, ngành trung ương, các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, các tổ chức, tập đoàn doanh nghiệp uy tín trên cả nước, cùng đại diện các cơ quan truyền thông. Hơn 50 chuyên gia, diễn giả hàng đầu về chuyển đổi số, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ và thảo luận trong 04 phiên chuyên đề: Phiên toàn thể với chủ đề Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng; Chuyên đề 1: Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; Chuyên đề 2: Kiến tạo và Khai thác Dữ liệu số - tạo đột phá phát triển Du lịch Văn hoá; Chuyên đề 3: Quản trị và khai thác dữ liệu số ngành Y tế. 
 
Địa phương tiên phong trong kiến tạo và khai thác dữ liệu số
 
Thừa Thiên Huế trong nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI) – năm 2022 giữ vị trí số 4, trong đó Chính quyền số đứng vị trí thứ 2. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. 
 
 
Lãnh đạo tham quan gian hàng triển lãm Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Ngoài điểm sáng là xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, ngay từ năm 2018, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông Cổng dữ liệu Quốc gia; hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Hệ thống này được xây dựng và vận hành trước cả thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đến nay, đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hoá, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải...
 
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh đã xây dựng được khung kiến trúc chuyển đổi số, hình thành được bộ khung quan trọng để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, tạo thành một hệ thống thống nhất để phục vụ cho cả 3 tru cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, nhiều công nghệ, nền tảng, sản phẩm đã được áp dụng trong cộng đồng người dân, tạo động lực rất lớn trong sự phát triển của địa phương.”
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Bộ Thông tin và Truyền thông; các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các doanh nghiệp đã đồng hành cùng tiến trình chuyển đổi số của tình: Tập đoàn Vietel, Tập đoàn công nghệ BKAV, Tập đoàn FPT, Tổng Công ty Mobifone,…
 
Kiến tạo dữ liệu số - Thúc đẩy liên kết vùng
 
Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng để chia sẻ nguồn lực, tận dụng lợi thế của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị. Tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030. 
 
Có thể thấy, hiện trạng của Liên kết phát triển các vùng kinh tế nói chung, và miền Trung nói riêng còn lỏng lẻo chưa tận dụng, khai thác được lợi thế của từng địa phương. Vùng kinh tế miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế hợp tác phát triển. Tuy nhiên, việc liên kết, phát triển hiện gặp nhiều khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
 
 
PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ
 
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Thể chế Vùng trong giai đoạn phát triển vừa quan căn bản chưa thành công, vì 03 lý do: Vùng thiếu động lực, thiếu quyền lực để hành động độc lập; Thiếu nguồn lực vận hành và nguồn lực bảo đảm liên kết, phối hợp; Thể chế điều hành Vùng chưa phù hợp, kém hiệu lực, không hiệu quả. Các vùng kinh tế cần có cách tiếp cận liên kết mới dựa trên nền tảng số, liên kết số, kỹ thuật số, công nghệ cao”
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Vùng kinh tế miền Trung có 02 hạt nhân luôn dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số cả nước, và đang tiên phong trong kiến tạo dữ liệu số của địa phương là Huế và Đà Nẵng. Vì vậy, hưởng ứng năm dữ liệu số Quốc gia của Bộ thông tin và Truyền thông, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 lấy chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số – thúc đẩy liên kết vùng”, hướng tới mục tiêu kêu gọi sự chung tay của các địa phương từ các cấp lãnh đạo cao nhất, đến lãnh đạo các sở ngành, và doanh nghiệp”.
 
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại Lễ khai mạc
 
 
Tại phiên toàn thể, các diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý, chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực  chuyển đổi số tại Việt Nam đã tập trung chia sẻ, tham vấn để đưa ra các giải pháp về các vấn đề: Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy phát triển Kinh tế số - Xã hội số; Keynote: Dữ liệu dân cư quốc gia: Bài toán cụ thể khai thác dữ liệu số để đột phá quản trị xã hội và phát triển kinh tế; Ứng dụng Trợ lý ảo hỗ trợ khai thác hiệu quả dữ liệu số; AI: Cơ hội, thách thức và xu hướng khai thác dữ liệu số; Kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 với triết lý dữ liệu làm trung tâm (Data Centric) sử dụng các nền tảng Nocode Lowcode; Khai thác dữ liệu số và đề xuất chia sẻ, liên kết – thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng trung bộ; Nền tảng bản đồ số Map4D - Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
 
Tọa đàm "Kiến tạo và khai thác dữ liệu – Thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế Trung bộ
 
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị, tọa đàm với chủ đề: "Kiến tạo và khai thác dữ liệu – Thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế Trung bộ” đã đưa ra nhiều nội dung thảo luận sát với thực tiễn và nhu cầu giải quyết các bất cập trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế: Định hướng liên kết và khai thác dữ liệu số cấp trung ương từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an; Liên kết và khai thác dữ liệu số các lĩnh vực trọng điểm vùng kinh tế trung bộ bao gồm: du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; Liên kết và khai thác dữ liệu số giữa các tỉnh vùng trung bộ – cơ chế & thực thi; Nền tảng công nghệ liên kết và khai phá dữ liệu số.
 
Dịp này, UBND tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp giáo dục cho Công ty TNHH Giáo dục FPT và Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Trung tâm dữ liệu số cho Công ty cổ phần Vietsoft Pro (ảnh dưới).
 
 
Bên cạnh các phiên hội nghị chuyên đề, Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023 còn tổ chức hoạt động Triển lãm giới thiệu các nền tảng, giải pháp số với hơn 20 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh.
 
Sự kiện được kỳ vọng sẽ không chỉ mang lại những thông tin, kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về kiến tạo và khai thác dữ liệu số, mà còn mong muốn thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp với các địa phương trong công tác chuyển đổi số, khai thác dữ liệu số tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội ở Huế nói riêng và toàn vùng kinh tế miền trung.
 
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày