Tìm kiếm
Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi Cục trên trâu, bò
Ngày cập nhật 27/05/2021

Ngày 19/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 8/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi Cục trên trâu, bò với những nội dung như sau:

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020; đến ngày 10/5/2021, đã có trên 1.660 ổ dịch xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 44.700 con, số chết và tiêu hủy trên 5.100 con. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 17/5/2021 dịch bệnh VDNC đã xảy ra trên địa bàn 11 xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, A Lưới, Nam Đông với 56 con mắc bệnh và 1 con chết, tiêu hủy.

Trong khi đó tình hình tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh đến ngày 17/5/2021: Huyện Phong Điền tiêm được 5.175 con (đạt tỷ lệ 83% so kế hoạch), huyện Quảng Điền tiêm được 2.086 con (đạt tỷ lệ 81% so với kế hoạch), thị xã Hương Trà tiêm được 2.000 con (đạt tỷ lệ 56% so với kế hoạch), thị xã Hương Thủy tiêm được 1.625 con (đạt tỷ lệ 56 % so với kế hoạch), các địa phương chưa triển khai tiêm phòng là huyện Phú Lộc, thành phố Huế và các địa phương tiêm phòng đạt kết quả thấp: huyện A Lưới tiêm được 3.300 con (đạt tỷ lệ 28% so với kế hoạch), huyện Phú Vang tiêm được 675 con (đạt tỷ lệ 15% so với kế hoạch), huyện Nam Đông tiêm được 473 con (đạt tỷ lệ 15% so với kế hoạch).

Dự báo trong thời gian tới dịch bệnh VDNC sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc-tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) và đàn trâu, bò chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC.

Thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò và để công tác kiểm soát, phòng, chống bệnh VDNC đảm bảo kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh VDNC lây nhiễm, lây lan diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC theo quy định của pháp luật về thú y,  hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh VDNC (Công điện số 21/CĐ-UBND ngày 10/11/2020, Công văn số 961/UBND-NN ngày 29/01/2021, Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 04/3/2021, Công văn số 2086/UBND-NN ngày 16/3/2021, Công văn số 2920/UBND-NN ngày 09/4/2021, Công văn số 3629/UBND-NN ngày 06/5/2021); chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố Huế, đồng thời tập trung thực hiện những nội dung sau:

- Đối với các địa phương đang có dịch bệnh VDNC cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chưa mua vắc xin VDNC, khẩn trương bố trí kinh phí để mua vắc xin và thực hiện tiêm phòng khẩn cấp cho trâu, bò (hiện nay tất cả các huyện, thị xã, thành phố Huế trên địa bàn tỉnh đều nằm trong phạm vi bán kính 100 km từ ổ dịch VDNC nên đều phải tiêm phòng khẩn cấp theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Thời gian hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin VDNC cho trâu bò trước ngày 30/5/2021 (đạt kết quả 80% trở lên so với tổng đàn trâu bò).

- Giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… truyền bệnh.

- Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.

- Kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ trâu, bò, không sử dụng sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống bệnh VDNC tại cơ sở.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.

3. Sở Tài chính

Tham mưu bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thú y và các văn bản pháp luật liên quan; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh VDNC bảo đảm thống nhất, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng cân đối ngân sách, đúng quy định của pháp luật.

4. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh

Tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm trâu, bò từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trên.

Theo https://thuathienhue.gov.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày