Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Bình – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đồng chí Đặng Đình Trường - Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC); cùng Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số, đại diện Công ty FPT Telecom. Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến các huyện, thị xã và thành phố Huế.
Cấp chữ ký số miễn phí cho toàn dân trên địa bàn tỉnh
Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, chữ ký số là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành công dân số. Trong đó, ưu điểm hàng đầu mà chữ ký số mang lại đó là sự nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, không cần trực tiếp ký tay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa giải pháp chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đầy đủ, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Phấn đấu 50% dân số tiếp cận được với chữ ký số và các dịch vụ đô thị thông minh trên Hue-S. Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông sau lễ phát động triển khai nhanh, quyết liệt; phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để người thấy được lợi ích của chữ ký số và thanh toán dịch vụ công qua Hue-S; đảm bảo giải pháp kỹ thuật để người dân thao tác nhanh gọn, thuận tiện. Đồng thời, có kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo cho người dân có thể sử dụng được chữ ký số.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn các doanh nghiệp chuyển trạng thái cùng khai thác, cùng thực hiện trên cơ sở giúp Thừa Thiên Huế triển khai các giải pháp lâu dài, hiệu quả, cùng đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế trong chiến dịch sắp tới. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các cơ quan, đơn vị, địa phương; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm tập trung chỉ đạo, nắm tinh thần triển khai chiến dịch một cách hiệu quả nhất.
Trong chiến dịch này tại Thừa Thiên Huế, với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chữ ký số với các chính sách hỗ trợ sau: Miễn phí trong vòng 01 năm bao gồm phí khởi tạo chữ ký số và ký số dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Sau lễ phát động, tỉnh sẽ triển khai chương trình phổ cập chữ ký số cho toàn dân trong vòng 12 tháng với 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 3 tháng kể từ ngày công bố kích hoạt chương trình. Giai đoạn này, các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cam kết triển khai sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho toàn dân.
- Giai đoạn 2: 9 tháng kể từ thời gian kết thúc giai đoạn 1. Giai đoạn người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát. Việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.
Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số cho người dân trên địa bàn
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai cung cấp dịch vụ chữ ký số cho người dân trên địa bàn giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số về việc phối hợp triển khai thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh.
Ra mắt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S
Cũng trong sự kiện, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế công bố chính thức ra mắt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S. Ứng dụng sẽ giúp người dân có cách tiếp cận mới, thân thiện và tiện dụng trong quá trình tìm kiếm, nộp, thanh toán phí, lệ phí và theo dõi các hồ sơ dịch vụ công của cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp. Ứng dụng cũng sẽ hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ cho phép kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay; hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua Ví điện tử trên Hue-S. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động dịch vụ công, tăng tỷ lệ các thủ tục trực tuyến toàn trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
FPT Telecom, đơn vị tích hợp ví điện tử trên Hue-S cũng công bố cam kết chính sách ưu đãi cho người dân khi thanh toán các khoản phí, lệ phí dịch vụ công thông qua ví điện tử trên Hue-S. Người dân có thể sử dụng Ví điện tử hoặc mọi loại thẻ gắn trên Hue-S để thanh toán với chính sách ưu đãi đặc biệt của Tập đoàn FPT dành cho tỉnh Thừa Thiên Huế cụ thể: Miễn phí giao dịch trong 02 năm áp dụng khi thanh toán bằng số dư ví điện tử trên Hue-S hoặc thanh toán trực tiếp từ thẻ nội địa đã được liên kết.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định: Nền tảng Hue-S, cấp phát tài sản số trong chiến dịch này chính là những hoạt động cụ thể để xây dựng văn hóa số cho xã hội, từng bước đưa người dân lên không gian số và giúp người dân để có thểm tiếp cận các dịch vụ, tiện ích số khác trên không gian mạng, Cụ thể hóa mục tiêu “Công nghệ thông tin và đột phá” trong Nghị quyết 54 Bộ Chính trị phát triển, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghi thức nhấn nút phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân và công bố ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S
Một số hình ảnh tại hội nghị: