Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Đề án 06 tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn liên quan và Trung tâm IOC. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Hồ Đắc Trường – Phó Giám đốc Sở, đại diện các phòng chuyên môn thuộc sở, Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Đắc Trường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 109 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 48 TTHC triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 61 TTHC triển khai Dịch vụ công trực tuyến một phần.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Đắc Trường trình bày một số kết quả đạt được.
Ngoài ra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đạt được một số kết quả trong xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) các chuyên ngành, cụ thể như:
Về lĩnh vực Đất đai, đã hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai 9/9 huyện, thị xã và thành phố Huế với (141 đơn vị cấp xã) với 1.075.309 thửa đất đưa vào vận hành trên Hệ thống Phần mềm VBDLIS.
Về lĩnh vực Môi trường, Ngành đã triển khai xây dựng CSDL dùng chung về chất thải rắn và rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng CSDL nguồn thải tỉnh Thừa Thiên Huế. CSDL GIS chuyên ngành TNMT về lĩnh vực môi trường, dữ liệu: Vị trí cấp phép môi trường; Doanh nghiệp được kiểm soát về môi trường; Giấy phép môi trường; Bãi chôn lấp chất thải rắn; Khu vực bảo tồn đa dạng sinh học; Chất thải nguy hại; Điểm quan trắc môi trường; Điểm quan trắc môi trường tự động…
Về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Ngành đã xây dựng được CSDL GIS chuyên ngành TNMT lĩnh vực địa chất và khoáng sản, về dữ liệu: Điểm quặng; Hiện trạng/Quy hoạch mỏ khoáng sản; Hiện trạng/Quy hoạch đất làm vật liệu san lấp.
Về lĩnh vực tài nguyên nước, CSDL GIS chuyên ngành TNMT lĩnh vực tài nguyên nước, về dữ liệu: Điểm khai thác nước mặt; Điểm khai thác nước biển; Điểm khai thác nước dưới đất; Điểm xã nước thải.
Về lĩnh vực Đo đạc, bản đồ và không gian địa lý, ngành đang triển khai dự án Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; cập nhật hoàn thiện CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình 1/2000, 1/5000 trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau kiểm tra, rà soát bàn các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến và các nội dung liên quan đến hiệu quả ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số phục vụ chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Qua quá trình rà soát, nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ Dịch vụ công trực tuyến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn đã đưa ra hướng giải quyết khó khăn về nghiệp vụ liên quan đến ký số các kết quả dịch vụ công. Về áp dụng phần mềm chuyên ngành VDBLIS, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng hai bên sẽ sắp xếp, bố trí một buổi làm việc để khảo sát chi tiết, tham mưu giải pháp cho UBND tỉnh. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp tài khoản, chuyển giao giải pháp giám sát dịch vụ công tại các Trung tâm dịch vụ hành chính công, các điểm tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã phường. Liên quan công tác số hóa cơ sở dữ liệu, hai đơn vị sẽ cùng rà soát, thống nhất danh mục cũng như đầu ra các sản phẩm.
Đồng chí Trần Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm IOC trao đổi tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Đắc Trường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất triển khai một số giải pháp nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến ngành Tài nguyên và Môi trường do Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị, đồng thời giao các phòng chuyên môn, Văn phòng Đăng ký đất đai nghiên cứu tham mưu rà soát các thủ tục của ngành, bổ sung các thủ tục DVC trực tuyến toàn trình ngoài các thủ tục của Bộ công bố. Những vướng mắc về quy trình đo đạc, giao Trung tâm Kỹ thuật TNMT phối hợp nghiên cứu tham mưu giải pháp đảm bảo hiệu quả, khắc phục các hạn chế, đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời hạn chế tối đa các tranh chấp đất đai.