Tìm kiếm

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 24/04/2023
Sáng ngày 21/4, tại Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng đi còn có lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ.
 
 Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế.
 
Tại buổi làm việc
 
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của Bộ, góp phần giúp Thừa Thiên Huế đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Là một trong những tỉnh tiên phong về chuyển đổi số trong cả nước, vì vậy tỉnh xác định rất rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm rất cao để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Với chủ trương nhất quán cùng sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt đã tạo động lực để việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh có những bước tiến quan trọng.”
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại buổi làm việc
 
 
Liên tục trong các năm qua các chỉ số xếp hạng của Thừa Thiên Huế ngày càng được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh, cụ thể như: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index): năm 2019 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2020, 2021 xếp thứ 2 toàn quốc. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ vị trí số 20 năm 2019 đến vị trí số 6 toàn quốc năm 2022.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc
 
 
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác chuyển đổi số của tất cả các ngành, các lĩnh vực; tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
 
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, quyết định làm định hướng cho chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 204 điểm phục vụ bưu chính, đạt 65.17%; 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp xã với Mạng truyền số liệu chuyên dùng. Theo kết quả theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thừa Thiên Huế có 959.066 giao dịch qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Kinh tế số chiếm khoảng 8,7% (5.570 tỉ đồng) tổng sản phẩm trên địa bàn. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7,6%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp; đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị gắn với việc sử dụng chữ ký số cho 100% các cơ quan nhà nước. Đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng cho 141 xã, phường, thị trấn và đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/khu dân cư với 1.100 tổ và 5.580 thành viên; tập huấn nghiệp vụ cho hơn 866 Tổ công nghệ số cộng đồng. Đã triển khai hơn 50 dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng Hue-S với 900.000 người truy cập,... Những kết quả quan trọng này có đóng góp rất lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh.
 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc

 
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra, vì vậy đồng chí Nguyễn Văn Phương mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cùng trao đổi, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc qua 10 nội dung liên quan đến ngành Thông tin và Truyền thông bao gồm: Đề nghị Bộ quan tâm định hướng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư vào tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất phần mềm và nội dung số; quan tâm, tài trợ 12.680 điện thoại thông minh cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh; phối hợp với tỉnh để triển khai các giải pháp hỗ trợ công tác số hóa 10.000 cổ vật; hỗ trợ các giải pháp để quản lý, giám sát, theo dõi tình hình thiên tai, bão lụt, các vùng thường xuyên sạt lở bằng công nghệ số; hỗ trợ giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chuyển đổi số cho công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ về nền tảng hạ tầng và nền tảng phần mềm để có thể quản lý nguồn lực lao động phi chính thức một cách hiệu quả để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đề nghị các tập đoàn, tổng công ty quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư hệ thống ngầm hóa, chỉnh trang cáp viễn thông trên địa bàn; chỉ đạo thúc đẩy Cơ chế phối hợp xử lý thông tin đột xuất, bất thường và cơ chế cung cấp thông tin khi có tình huống giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết những thông tin chống phá, sai phạm, bất lợi, dư luận phát sinh có thể trở thành điểm nóng truyền thông; đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế ra nước ngoài trên Cổng Vietnam.vn; hỗ trợ vấn đề số hóa, nền tảng số đặc biệt là hoạt động truyền thông trên nền tảng số giúp thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và những kết quả quan trọng mà Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Biểu dương Thừa Thiên Huế về kết quả đi đầu trong công tác chuyển đổi số và được nhiều địa phương đến tham quan mô hình chuyển đổi số. Đặc biệt nhấn mạnh Sở Thông tin và Truyền thông là hạt nhân chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có những bước đi đúng hướng, chuyển đổi các nền tảng tập trung, toàn dân, toàn diện. Tuy nhiên muốn Sở phát triển nhiều hơn nữa, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo tỉnh cần đặt ra nhiều bài toán hơn nữa. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của người đứng đầu, vai trò của cơ quan chuyên môn trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi số.
 
Đồng chí khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đứng sau đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện chuyển đổi số thành công, hướng tới làm mẫu, điển hình cho toàn quốc ở một số lĩnh vực, tạo ra những thay đổi toàn diện cho tỉnh.
 
Đồng chí Bộ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức đặt ra với các địa phương hiện nay trong thực hiện chuyển đổi số và đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm thay đổi tư duy, cách tiếp cận chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số hướng về người dân; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh các giải pháp để triển khai toàn diện các lĩnh vực.
 
Về đề xuất quan tâm định hướng cho các doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư vào tỉnh, Bộ trưởng yêu cầu chính quyền cần đi đầu về chuyển đổi số, tạo ra thị trường chuyển đổi số, tạo ra công dân số, hình thành trung tâm nhân lực số. Đề xuất Thừa Thiên Huế nên đi theo hướng đại học số để phát triển nhân lực số.
 
Về lĩnh vực Bưu chính, sứ mệnh của bưu chính là mọi gia đình, mọi cá nhân đều có thể mua bán trực tuyến, kinh doanh trên môi trường số, làm cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng với mọi người, mọi nơi để tạo thương hiệu, để sản phẩm của người nông dân có giá hơn.
 
Về lĩnh vực Viễn thông, phấn đấu 100% các hộ gia đình đều có một cáp quang,  100 % hộ gia đình đều có điện thoại thông minh. Việc trang bị điện thoại thông minh cho các hộ nghèo sẽ được doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ.
 
Về chính quyền số, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến.
 
Về xã hội số, triển khai trợ lý ảo cho người dân để tương tác với chính quyền, đưa người dân lên môi trường số, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số mạnh mẽ hơn thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng.
 
Triển khai nền tảng làm việc số cho cán bộ công chức, viên chức, cấp hệ thống làm việc số cho cán bộ, đầu tư các công cụ số.
 
Về công tác truyền thông – xuất bản, bên cạnh truyền thông quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế, cần quan tâm truyền thông kể những câu chuyện kinh doanh, chuyển đổi số thành công. Quan tâm đến văn hoá truyền thống đọc sách trong mỗi người, đưa các loại hình đọc, đặt ra mục tiêu đọc để nâng cao tỷ lệ người dân đọc sách.
 
Về kỹ năng số, trang bị các kỹ năng số thông qua nền tảng One touch được tích hợp trên ứng dụng Hue-S.
 
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng khẳng định: Buổi làm việc giúp lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới. Qua đó, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy, tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
P.GSTTM&TT
Các tin khác
Xem tin theo ngày