Tìm kiếm

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyển đổi số cho ai?
Ngày cập nhật 12/10/2022

TTH - Những năm gần đây cụm từ - chuyển đổi số (CĐS) được nhắc đi nhắc lại trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung khi đứng trước áp lực thay đổi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, sau thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra, mọi người phải đối diện trước những yêu cầu sống còn lại càng đòi hỏi cộng đồng xã hội tiệm cận gần hơn với CĐS.

Điều khiển kỹ thuật số xử lý nước thải tại KCN Phú Bài 1
 
Có nhiều định nghĩa về CĐS và cũng khó có được một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về CĐS bởi vì quá trình áp dụng sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, có thể hiểu CĐS là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của DN đó, cũng như tăng tốc các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
 
CĐS cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các DN, đòi hỏi các DN phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và chấp nhận các thất bại. Quá trình này cũng ứng dụng mọi dữ liệu và công nghệ hiện đại nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
 
Theo một chuyên gia về công nghệ thông tin tại Huế, CĐS hiện nay có nhiều người nhầm lẫn với khái niệm “số hóa”. Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng “số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...). Trong khi đó, CĐS là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “số hóa” như một phần của quá trình CĐS
 
Trên thực tế, CĐS không chỉ áp dụng trong SXKD mà còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như Chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học...
 
Song, nếu quan sát thực sự đời sống kinh doanh hiện tại, nhất là qua “phép thử” ngặt nghèo của các làn sóng dịch COVID-19 vừa qua, có thể thấy CĐS mang lại nhiều cơ hội trong SXKD mới, đột phá mới trên thị trường với sự cạnh tranh lành mạnh. Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua là phần lớn tham gia vào hoạt động SXKD, dịch vụ… đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ với cách kinh doanh truyền thống là chủ yếu. Do đó, để chuyển đổi phương thức sang những mô hình kinh doanh hiện đại có hàm lượng công nghệ cao một cách rộng rãi là một thách thức lớn.
 
Nhiều chuyên gia đúc kết, CĐS là quá trình khách quan, muốn hay không thì CĐS vẫn và đang diễn ra. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi, mỗi người cũng cần không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Song để thực hiện đó là quá trình lâu dài và phức tạp, cần trả lời được 3 câu hỏi chính trước khi làm: Tại sao phải CĐS; CĐS có lợi ích gì; để làm, DN phải thay đổi những gì?... Các câu hỏi này là nền tảng để đặt ra nhiều vấn đề đi sâu vào cốt lõi và giúp từng DN nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu của họ, từ đó đặt ra những bước đi cẩn trọng, hợp lý để không tiêu tốn nguồn lực dù cho một mục đích tốt...
 
Bài, ảnh: Minh Thương
Các tin khác
Xem tin theo ngày