Tìm kiếm

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Định rõ mục tiêu để phát triển bền vững
Ngày cập nhật 30/06/2022

Chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) là quá trình lâu dài, phức tạp nên mỗi một doanh nghiệp (DN) phải nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu cụ thể, lợi ích để hướng đến phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ số để giản đơn trong quá trình điều khiển xử lý nước thải tại KCN Phú Bài


Hiểu đúng chuyển đổi số

Trong xu thế phát triển bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, các DN hiện đang đứng trước bài toán CĐS để phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiều chủ DN chưa hiểu đầy đủ về CĐS và còn đối mặt với rào cản khó khăn về chi phí, công nghệ, nhân lực có kỹ năng số, nền tảng công nghệ thông tin... trong hệ thống SXKD.

Tại hội nghị triển khai công tác KH&CN năm 2022, ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, ở mô hình DN, muốn CĐS thành công thì bộ máy điều hành của DN, đặc biệt bản thân của người đứng đầu DN phải thật sự quan tâm, xem đây là công cụ để thay đổi mô hình kinh doanh của mình. CĐS phải được dẫn dắt từ trên xuống và được “thông suốt” đến từng người trong DN.

Ông Nguyễn Kim Tùng cho rằng, DN muốn CĐS thành công phải định hình chiến lược các mức và tiệm cận theo 6 nhóm, như trải nghiệm số cho khách hàng, xây dựng chiến lược CĐS, chú trọng hạ tầng công nghệ số, vận hành, CĐS văn hóa DN, tài sản và dữ liệu thông tin.

Chuyển đổi số tại Công ty CP Bến xe Huế đã mang lại tiện ích cho các DN khai thác hoạt động giao thông vận tải



Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, hiện nay Thừa Thiên Huế và cả nước nói chung đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch COVID-19. Vậy CĐS để thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, khai thác các động lực tăng trưởng mới trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Do vậy, kế hoạch kinh doanh hiện nay đầu tiên cần xác định chiến lược, mục đích hướng tới của DN là gì? Thứ nữa là DN phải có nguồn lực sẵn có để làm. Mà nguồn lực đó là tài sản, công cụ, công nghệ, dây chuyền sản xuất; nguồn lực gì là cần thiết để ưu tiên trước. Khi đã có nguồn lực thì cần có người để làm, đội ngũ nhân sự phù hợp để hướng tới mục tiêu mà DN đề ra. Trong đó, cần lưu ý vấn đề CĐS không phải chuyện cần hay không mà bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. CĐS không phải ở công cụ mà là ở tư duy, tư duy đầu tiên phải đến từ người lãnh đạo.

Chủ động “số hóa” dữ liệu

Những năm gần đây, hoạt động CĐS đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều DN biết nắm bắt cơ hội, dần ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý SXKD, phân phối, tiếp thị sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cũng như nhu cầu quản trị kinh doanh.

Đơn cử như Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tích cực chủ động triển khai các chương trình CĐS trên ba lĩnh vực then chốt. Cụ thể nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là cán bộ quản lý để tạo sự chuyển biến từ tư duy đến hành động; CĐS trong quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả; CĐS về công nghệ tự động hóa lưới điện, lưu trữ thông tin. Đến nay, công ty đã đầu tư mạnh vào hệ thống giám sát điều khiển tự động lưới điện, ứng dụng các công nghệ đo xa, giám sát tình trạng vận hành thiết bị trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sửa chữa nóng lưới điện… để lại dấu ấn, dịch vụ tiện ích nhất cho khách hàng.

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, CĐS là xu thế tất yếu, các DN không thể nằm ngoài dòng chảy “số” trong bối cảnh hội nhập, nhất là sau những tác động của đại dịch COVID-19. Do vậy, các DN cần chủ động chuẩn bị các thành phần giúp thúc đẩy CĐS, gồm: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật...

Việc số hóa số liệu là quan trọng, đánh giá quy trình xử lý thông tin trong nội bộ, hệ thống quản lý theo một trình tự phù hợp… là việc cần làm đầu tiên để CĐS trong DN. Điều này đòi hỏi lãnh đạo DN và các bộ phận chuyên môn phải quyết tâm, chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức, từ đó hiểu đúng và thực hiện CĐS hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, qua nhìn nhận thực tế trong DN, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu…

Với những tác động vừa qua của đại dịch COVID-19, thị hiếu mua sắm, trải nghiệm dịch vụ của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi các DN địa phương cần chủ động những phương án kinh doanh, quản trị nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình SXKD, marketing… để thích ứng hiện nay. Trong đó, lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp.

“CĐS là một quá trình, nếu DN nào sẵn sàng thích ứng và thay đổi sớm sẽ có nhiều bước phát triển đột phá, đi nhanh hơn và có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn” - ông Nguyễn Dương Anh nói.



Bài, ảnh: MINH THƯƠNG

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Các tin khác
Xem tin theo ngày