Tìm kiếm

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững
Ngày cập nhật 09/02/2022

(ĐCSVN)- Với mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số, chiều 4/1, tại Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương khẳng định, kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột chuyển đổi số của Việt Nam bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển nền kinh tế số là một những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam trong bối cảnh mới với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, sự ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 như một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam.
 
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định, đến năm 2025 kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GDP. Đến năm 2030, Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Đây là những mục tiêu lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên có liên quan.
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia. Ảnh: VA
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, để đạt được những mục tiêu này, trước hết cần phải có những luận cứ khoa học vững chắc từ các nghiên cứu chuyên sâu làm căn cứ để có thể đề xuất được các giải pháp và kiến nghị chính sách phù hợp với thực tiễn. Các nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới phát triển nền kinh tế số cần phải nhanh chóng được thực hiện bao gồm: xác định phạm vi, phân tích đặc trưng, đo lường quy mô nền kinh tế số, đánh giá các điều kiện và các yếu tố tác động tới sự phát triển của nền kinh tế số.
 
PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay, trong những năm qua, thực hiện một trong 04 định hướng nghiên cứu mũi nhọn và dài hạn, Trường ĐH Ngoại thương đã triển khai nhiều nghiên cứu mang tính lý luận liên quan tới phát triển nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới. Đồng thời, Nhà trường đã triển khai nhiều nghiên cứu ở cấp độ vi mô từ đó chuyển giao tri thức, mô hình, công cụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Nhà trường đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế chuyển đổi số hiện nay.
 
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với những biến cố và yếu tố khó lường của thế giới, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, là những xu thế chủ đạo đã và đang tác động sâu sắc tới nền kinh tế thế giới, khu vực và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những xu thế chủ đạo này, đã và đang thay đổi mọi khía cạnh của quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
 
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số đã trở thành xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia. Trong nền kinh tế số, công nghệ số được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Sự phát triển của kinh tế số đã tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng, từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng. Nền kinh tế số giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tối ưu hóa nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm. Sự phức tạp của đại dịch COVID-19, càng khẳng định được vai trò của nền kinh tế số trong quá trình này.
 
PGS.TS Phạm Văn Linh cho hay, là một quốc gia đang phát triển, với một nền kinh tế năng động trong khu vực, dựa trên thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn công nghệ thông tin và viễn thông, nền kinh tế số của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, dần trở thành một động lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Sự mở rộng của nền kinh tế số còn góp phần gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài như đại dịch COVID-19 hiện nay.
 
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Linh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đặt ra nhiều yêu cầu mới trong thực tiễn, dẫn tới những đòi hỏi mạnh mẽ về sự thay đổi trong nhận thức và tổ chức thực hiện. So với nền kinh tế truyền thống, bên cạnh những ưu thế không thể phủ nhận, sự phát triển nền kinh tế số, xã hội số cũng có nhiều thách thức và rủi ro mới, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng không dễ tìm được câu trả lời.
 
“Làm thế nào để xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ cho sự phát triển kinh tế số khi điểm xuất phát chưa cao, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; vấn đề xác định hướng ưu tiên, khâu đột phá, đo lường được chính xác quy mô và phạm vi của nền kinh tế số hiện nay ở là một câu hỏi lớn đang được đặt ra; vấn đề quản trị hiện đại trong quá trình chuyển đổi số; về nguồn nhân lực chất lượng cao; về lao động, việc làm trong chuyển đổi số. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, nguy cơ gia tăng phân hóa giàu nghèo, là những vấn đề cần có lời giải khi nền kinh tế số dần chiếm ưu thế”- PGS.TS Phạm Văn Linh dẫn chứng.
 
PGS.TS Phạm Văn Linh cho rằng, để vượt qua những thách thức và hạn chế các rủi ro nói trên, các cơ quan quản lý của Nhà nước, các cơ sở giáo dục và đào tạo, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân cần phải phối hợp chặt chẽ để quản lý và phát triển nền kinh tế số đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
 
Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng nền kinh tế số nhằm phát triển bền vững và bao trùm” đã nhận được 60 bài tham luận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp. Những trao đổi, thảo luận và kết quả của Hội thảo hôm nay sẽ góp phần xây dựng những luận cứ khoa học vững chắc để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày