Tìm kiếm
Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số
Ngày cập nhật 30/09/2021
Cổng Dịch vụ công

Những kết quả đạt được đã khẳng định là Việt Nam có thể áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số vào trong nền kinh tế và hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, để đến được cái đích là xây dựng nền kinh tế số và xã hội số thì vẫn còn một chặng đường rất dài với nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm về “chuyển đổi số” có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.
 
Trong tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh rằng: “Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.”
 
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: “Phải tư duy một cách hệ thống, đồng bộ, có nghĩa là các cấp, các ngành phải đồng bộ, mọi người phải hiểu được để tham gia vào”.
 
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng nhấn mạnh vai trò của nhận thức trong quá trình chuyển đổi số: “Chuyển đổi số là sự thay đổi từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Sự thay đổi đấy phụ thuộc vào việc có dám hay không dám chấp nhận cái mới. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức”.
 
Điểm đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số là đã tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và nếu nắm bắt được cơ hội này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đứng cùng hàng với các nước phát triển trên thế giới ở một số lĩnh vực nào đó, phát triển và hội nhập toàn diện với thế giới. Bởi vậy, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Sự xác lập, nhận thức rõ tầm quan trọng chuyển đổi số sẽ là tiền đề căn bản để xây dựng các giải pháp, khởi phát những đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong tương lai.
 
Chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII cũng sẽ mở đường cho định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Và việc cần làm ngay lúc này là từng bộ, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi người dân phải chung tay hành động để đưa chủ trương này vào cuộc sống, bởi cuộc đua đến nền kinh tế số, xã hội số, đến thịnh vượng là cơ hội công bằng cho tất cả, cho những quốc gia, trong đó có Việt Nam đang quyết tâm vươn lên với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường./. 
Nguồn: https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/thuc-day-manh-me-chuyen-doi-so-quoc-gia-580776.html
Các tin khác
Xem tin theo ngày