Tìm kiếm
BIG DATA – DỮ LIỆU LỚN
Ngày cập nhật 15/09/2017

Big Data là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không thể nào đảm đương được. Tuy nhiên, Big Data lại chứa trong mình rất nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh, nghiên cứu khoa học, dự đoán các dịch bệnh sắp phát sinh và thậm chí là cả việc xác định điều kiện giao thông theo thời gian thực. Chính vì thế, những dữ liệu này phải được thu thập, tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ theo một cách khác so với bình thường.

1. Định nghĩa Big Data
 
Như đã nói ở trên, Big Data (“dữ liệu lớn”) có là tập hợp dữ liệu có dung lượng vượt mức đảm đương của những ứng dụng và công cụ truyền thống. Kích cỡ của Big Data đang từng ngày tăng lên, thì nó có thể nằm trong khoảng vài chục terabyte cho đến nhiều petabyte (1 petabyte = 1024 terabyte) chỉ cho một tập hợp dữ liệu mà thôi.
 
Vào năm 2001, nhà phân tích Doug Laney của hãng META Group (bây giờ chính là công ty nghiên cứu Gartner) đã nói rằng những thách thức và cơ hội nằm trong việc tăng trưởng dữ liệu có thể được mô tả bằng ba chiều: tăng về lượng (volume), tăng về vận tốc (velocity) và tăng về chủng loại (variety). Giờ đây, Gartner cùng với nhiều công ty và tổ chức khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin tiếp tục sử dụng mô hình “3V” này để định nghĩa nên Big Data. Đến năm 2012, Gartner bổ sung thêm rằng Big Data ngoài ba tính chất trên thì còn phải “cần đến các dạng xử lí mới để giúp đỡ việc đưa ra quyết định, khám phá sâu vào sự vật/sự việc và tối ưu hóa các quy trình làm việc”.
 
 
Chúng ta có thể lấy các thí nghiệm của Máy gia tốc hạt lớn (LHC) ở Châu Âu làm ví dụ cho Big Data. Khi các thí nghiệm này được tiến hành, kết quả sẽ được ghi nhận bởi 150 triệu cảm biến với nhiệm vụ truyền tải dữ liệu khoảng 40 triệu lần mỗi giây. Kết quả là nếu như LHC ghi nhận hết kết quả từ mọi cảm biến thì luồng dữ liệu sẽ trở nên vô cùng lớn, có thể đạt đến 150 triệu petabyte mỗi năm, hoặc 500 exabyte mỗi ngày, cao hơn 200 lần so với tất cả các nguồn dữ liệu khác trên thế giới gộp loại.
 
Đây là kết quả mô phỏng của một vụ va chạm giữa các hạt sơ cấp trong máy gia tốc LHC, có rất rất nhiều thông tin cần phải ghi nhận trong mỗi vụ chạm như thế này. Trong mỗi giây như thế lại có đến khoảng 600 triệu vụ va chạm giữa các hạt vật chất diễn ra, nhưng sau khi chọn lọc lại từ khoảng 99,999% các luồng dữ liệu đó, chỉ có tầm 100 vụ va chạm là được các nhà khoa học quan tâm. Điều này có nghĩa là cơ quan chủ quản LHC phải tìm những biện pháp mới để quản lý và xử lí hết mớ dữ liệu khổng lồ này.
 
Một ví dụ khác, khi Sloan Digital Sky Sruver, một trạm quan sát vũ trụ đặt tại New Mexico, bắt đầu đi vào hoạt động hồi năm 2000, sau một vài tuần nó đã thu thập dữ liệu lớn hơn tổng lượng dữ liệu mà ngành thiên văn học đã từng thu thập trong quá khứ, khoảng 200GB mỗi đêm và hiện tổng dung lượng đã đạt đến hơn 140 terabyte. Đài quan sát LSST để thay thế cho SDSS dự kiến khánh thành trong năm 2016 thì sẽ thu thập lượng dữ liệu tương đương như trên nhưng chỉ trong vòng 5 ngày.
 
Hoặc như công tác giải mã di truyền của con người chẳng hạn. Trước đây công việc này mất đến 10 năm để xử lí, còn bây giờ người ta chỉ cần một tuần là đã hoàn thành. Còn Trung tâm giả lập khí hậu của NASA thì đang chứa 32 petabyte dữ liệu về quan trắc thời tiết và giả lập trong siêu máy tính của họ. Việc lưu trữ hình ảnh, văn bản và các nội dung đa phương tiện khác trên Wikipedia cũng như ghi nhận hành vi chỉnh sửa của người dùng cũng cấu thành một tập hợp Big Data lớn.
 
2. Những nguồn chính tạo ra Big Data
 
1. Hộp đen dữ liệu: đây là dữ liệu được tạo ra bởi máy bay, bao gồm máy bay phản lực và trực thăng. Hộp đen dữ liệu này bao gồm thông tin tạo ra bởi giọng nói của phi hành đoàn, các bản thu âm và thông tin về chuyến bay.
2. Dữ liệu từ các kênh truyền thông xã hội: Đây là dữ liệu được tạo ra và phát triển bởi như các trang web truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, Instagram, Pinterest và Google+.
3. Dữ liệu giao dịch chứng khoán: Đây là số liệu từ thị trường chứng khoán đối với quyết định mua và bán cổ phiếu được thực hiện bởi khách hàng.
4. Dữ liệu điện lực: đây là dữ liệu tạo ra bởi điện lực. Nó bao gồm các thông tin cụ thể từ các điểm giao nhau của các nút thông tin sử dụng.
5. Dữ liệu giao thông: dữ liệu này bao gồm sức chưa và các mẫu phương tiện giao thông, độ sẵn sàng và khoảng cách đã đi được của từng phương tiện giao thông.
6. Dữ liệu các thiết bị tìm kiếm: đây là dữ liệu được tạo ra từ các công cụ tìm kiếm và đây cũng là nguồn dữ liệu lớn nhất của Big Data. Công cụ tìm kiếm có cơ sở dữ liệu cực kỳ rộng lớn, nơi họ có thể tìm thấy dữ liệu họ cần.
 
Thêm vào đó, Bernard Marr, chuyên gia về Big Data và phân tích Big Data, đã đưa ra danh sách 20 nguồn Big Data uy tín mà mọi người có thể truy cập miễn phí trên trang web. Dưới đây là một số ví dụ:
  • Data.gov - nơi mà mọi người được phép tự do truy cập tất cả các dữ liệu của Chính phủ Mỹ bao gồm các thông tin khác nhau, từ khí hậu đến tội phạm đang giam giữ.

  • Data.gov.uk – nơi tương tự của Chính phủ Anh. Tại đây, mọi người có thể tập hợp được siêu dữ liệu trên tất cả các sách và các ấn phẩm của Anh kể từ năm 1950.

  • Ngoài ra còn có Cục Điều tra Dân số Mỹ - bao gồm các thông tin có giá trị như dân số, địa lý và dữ liệu khác. Tương tự là kho dữ liệu mở Liên minh châu Âu, bao gồm các dữ liệu điều tra dân số của các tổ chức Liên minh châu Âu.

  • Và một thứ yêu thích của chúng ta đó là Facebook. Những biểu đồ của FB cung cấp cho chúng ta các thông tin và giao diện các ứng dụng, sau khi truy cập các thông tin công khai được cung cấp bởi người sử dụng.

  • Trong lĩnh vực y tế, đó là Healthdata.gov của Mỹ và Trung tâm Thông tin chăm sóc Y tế và xã hội NHS, từ Anh.

  • Bộ dữ liệu công cộng Google Trends, Google Finance, Amazon Web Services, là những ví dụ tương tự.

3. Cuộc cách mạng công nghệ 
 
Ngược dòng lịch sử, trước khi phát minh ra máy tính cá nhân (PC), các công ty phải chi hàng triệu USD cho các máy tính cồng kềnh để xử lý dữ liệu. Apple và Microsoft đã thay đổi điều đó bằng việc đưa máy tính vào mọi nhà. Với Big Data cũng vậy, khi giá của những bộ nhớ lớn, xử lý tốc độ cao giảm xuống, các công ty có thể truy cập khối lượng dữ liệu lớn cả bên trong và bên ngoài công ty, từ đó đưa ra đánh giá chính xác về thị trường, nắm bắt cơ hội và thu lợi nhuận.
 
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp phần mềm đã giúp hàng nghìn người trở thành triệu phú, tỷ phú thì vòng xoay này đang lặp lại với Big Data. Vì vậy, Big Data là câu chuyện thời thượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh công nghệ toàn thế giới.
 
"Big Data là cuộc cách mạng đối với toàn bộ ngành công nghệ thông tin và ước tính các nhà kinh doanh khởi nghiệp sẽ kiếm 300 đến 500 tỷ USD từ ngành này", Matt Ocko, đồng Giám đốc điều hành tại quỹ Data Collective tại San Francisco nhận định.
 
4. Sự ưu việt của giải pháp Big Data
 
Ngày nay, dữ liệu chính là tiền bạc của doanh nghiệp. Lấy ví dụ, những thông tin về thói quen, sở thích của khách hàng có được từ lượng dữ liệu khổng lồ các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với trang web của mình. Chỉ cần doanh nghiệp biết khai thác hiệu quả, Big Data là công cụ không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho chính họ mà còn giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong mua sắm.
 
Nhờ giải pháp Big Data, năm 2013, Amazon đạt doanh thu tới 74 tỷ USD, IBM đạt hơn 16 tỷ USD. Big Data là nhu cầu tăng trưởng lớn đến nỗi từ năm 2010, Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đã chi hơn 15 tỷ USD cho các công ty chuyên về quản lý và phân tích dữ liệu. Với tiềm năng ưu việt, Big Data không chỉ ứng dụng trong kinh doanh mà còn có khả năng tác động đến hầu hết ngành nghề khác. Chính phủ các nước có thể ứng dụng Big Data để dự đoán tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để đầu tư cho những hạng mục phù hợp hoặc cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, thậm chí dự đoán sự phát triển của mầm bệnh và khoanh vùng sự lây lan của bệnh dịch. Nói cách khác, Big Data sẽ là công cụ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Theo ước tính của Gartner, một công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ hàng đầu của Mỹ, tới năm 2015 Big Data có thể tạo ra thêm 4,4 triệu việc làm trong ngành IT toàn cầu và trong 5 năm (2012-2017), thế giới sẽ đầu tư 232 tỷ USD cho Big Data.
 
Với hơn 30 triệu người dùng Internet và hơn 15 triệu người dùng Internet trên điện thoại di động, Việt Nam đang là đích ngắm của nhiều nhà cung cấp giải pháp Big Data như Microsoft, IBM, Oracle… Big Data và các công nghệ phân tích có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các ngành kinh tế và nghề nghiệp. Vì vậy, những mô hình kinh doanh mới dựa trên Big Data đang được hình thành để giúp các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng dữ liệu. “Đây cũng là xu thế tất yếu trong tương lai không xa với doanh nghiệp Việt Nam", ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam dự đoán.
 
5. Công nghệ dùng trong Big Data
 
Big Data là nhu cầu đang tăng trưởng lớn đến nỗi Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đã chi hơn 15 tỉ USD cho các công ty chuyên về quản lí và phân tích dữ liệu. Năm 2010, ngành công nghiệp Big Data có giá trị hơn 100 tỉ USD và đang tăng nhanh với tốc độ 10% mỗi năm, nhanh gấp đôi so với tổng ngành phần mềm nói chung.
 
 
Như đã nói ở trên, Big Data cần đến các kĩ thuật khai thác thông tin rất đặc biệt do tính chất khổng lồ và phức tạp của nó. Năm 2011, tập đoàn phân tích McKinsey đề xuất những công nghệ có thể dùng với Big Data bao gồm crowsourcing (tận dụng nguồn lực từ nhiều thiết bị điện toán trên toàn cầu để cùng nhau xử lí dữ liệu), các thuật toán về gen và di truyền, những biện pháp machine learning (ý chỉ các hệ thống có khả năng học hỏi từ dữ liệu, một nhánh của trí tuệ nhân tạo), xử lí ngôn ngữ tự nhiên (giống như Siri hay Google Voice Search, nhưng cao cấp hơn), xử lí tín hiệu, mô phỏng, phân tích chuỗi thời gian, mô hình hóa, kết hợp các server mạnh lại với nhau.... Những kĩ thuật này rất phức tạp nên chúng ta không đi sâu nói về chúng.
 
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu hỗ trợ xử lí dữ liệu song song, ứng dụng hoạt động dựa trên hoạt động tìm kiếm, file system dạng rời rạc, các hệ thống điện toán đám mây (bao gồm ứng dụng, nguồn lực tính toán cũng như không gian lưu trữ) và bản thân Internet cũng là những công cụ đắc lực phục vụ cho công tác nghiên cứu và trích xuất thông tin từ “dữ liệu lớn”. Hiện nay cũng có vài cơ sở dữ liệu theo dạng quan hệ (bảng) có khả năng chứa hàng petabyte dữ liệu, chúng cũng có thể tải, quản lí, sao lưu và tối ưu hóa cách sử dụng Big Data nữa.
 
Những người làm việc với Big Data thường cảm tháy khó chịu với các hệ thống lưu trữ dữ liệu vì tốc độ chậm, do đó họ thích những loại ổ lưu trữ nào có thể gắn trực tiếp vào máy tính (cũng như ổ cứng gắn trong máy tính của chúng ta vậy). Ổ đó có thể là SSD cho đến các đĩa SATA nằm trong một lưới lưu trữ cỡ lớn. Những người này nhìn vào ổ NAS hay hệ thống lưu trữ mạng SAN với góc nhìn rằng những thứ này quá phức tạp, đắt và chậm. Những tính chất nói trên không phù hợp cho hệ thống dùng để phân tích Big Data vốn nhắm đến hiệu năng cao, tận dụng hạ tầng thông dụng và chi phí thấp. Ngoài ra, việc phân tích Big Data cũng cần phải được áp dụng theo thời gian thực hoặc cận thời gian thực, thế nên độ trễ cần phải được loại bỏ bất kì khi nào và bất kì nơi nào có thể.
 
6. Big Data có thể giúp gì được cho chúng ta?
 
Tập đoàn SAS nói vấn đề thật sự không nằm ở việc bạn thu thập dữ liệu, thay vào đó, là bạn dùng Big Data để làm gì. Nhìn chung, có bốn lợi ích mà Big Data có thể mang lại: cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định đúng và hợp lý hơn.
 
Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy khi mua sắm online trên eBay, Amazon hoặc những trang tương tự, trang này cũng sẽ đưa ra những sản phẩm gợi ý tiếp theo cho bạn, ví dụ khi xem điện thoại, nó sẽ gợi ý cho bạn mua thêm ốp lưng, pin dự phòng; hoặc khi mua áo thun thì sẽ có thêm gợi ý quần jean, dây nịt... Do đó, nghiên cứu được sở thích, thói quen của khách hàng cũng gián tiếp giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn.
 
Vậy những thông tin về thói quen, sở thích này có được từ đâu? Chính là từ lượng dữ liệu khổng lồ mà các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với trang web của mình. Chỉ cần doanh nghiệp biết khai thác một cách có hiệu quả Big Data thì nó không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho chính họ mà còn tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian hơn nhờ những lời gợi ý so với việc phải tự mình tìm kiếm.
 
Người dùng cuối như mình và các bạn sẽ được hưởng lợi cũng từ việc tối ưu hóa như thế, chứ bản thân chúng ta thì khó mà tự mình phát triển hay mua các giải pháp để khai thác Big Data bởi giá thành của chúng quá đắt, có thể đến cả trăm nghìn đô. Ngoài ra, lượng dữ liệu mà chúng ta có được cũng khó có thể xem là “Big” nếu chỉ có vài Terabyte sinh ra trong một thời gian dài.
 
Xa hơi một chút, ứng dụng được Big Data có thể giúp các tổ chức, chính phủ dự đoán được tỉ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để đầu tư cho những hạng mục đó, hoặc cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, v/v... thậm chí là ra phương án phòng ngừa trước một dịch bệnh nào đó, giống như trong phim World War Z, nước Israel đã biết trước có dịch zombie nên đã nhanh chóng xây tường thành ngăn cách với thế giới bên ngoài.
 
Mà cũng không cần nói đến tương lai phim ảnh gì cả, vào năm 2009, Google đã sử dụng dữ liệu Big Data của mình để phân tích và dự đoán xu hướng ảnh hưởng, lan truyền của dịch cúm H1N1 đấy thôi. Dịch vụ này có tên là Google Flu Trends. Xu hướng mà Google rút ra từ những từ khóa tìm kiếm liên quan đến dịch H1N1 đã được chứng minh là rất sát với kết quả do hai hệ thống cảnh báo cúm độc lập Sentinel GP và HealthStat đưa ra. Dữ liệu của Flu Trends được cập nhật gần như theo thời gian thực và sau đó sẽ được đối chiếu với số liệu từ những trung tâm dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới.
 
 
Đường màu xanh là dự đoán của Google Flu Trends dựa trên số từ khóa tìm kiếm liên quan đến các dịch cúm, màu vàng là dữ liệu do cơ quan phòng chống dịch của Mỹ đưa ra.
 
Còn theo Oracle, việc phân tích Big Data và những dữ liệu dung lượng lớn đã giúp các tổ chức kiếm được 10,66$ cho mỗi 1$ chi phí phân tích, tức là gấp 10 lần! Một trường học ở một quận lớn tại Mỹ cũng có được sự tăng trưởng doanh thulà 8 triệu USD mỗi năm, còn một công ty tài chính ẩn danh khác thì tăng 1000% lợi nhuận trên tổng số tiền đầu tư của mình trong vòng 3 năm.
 
1. Xung quanh ta có rất nhiều loại dữ liệu với một khối lượng khổng lồ như bộ mã gene người, thông tin thời tiết, v.v... cần được xử lý. Theo thời gian, lượng dữ liệu này tăng lên với cấp số ... lũy thừa nên sẽ không thể dùng cách lưu trữ và xử lý thông thường như sử dụng các hệ quản trị database kiểu MS SQL Server / MySQL để lưu trữ và xử lý được
 
2. Để xử lý “big data” cách duy nhất là sử dụng phương pháp thống kê. Hiện nay, có một ngành học với tên gọi "data mining" (khai mỏ dữ liệu) - vốn là một nhánh của AI (Trí tuệ nhân tạo) - chuyên nghiên cứu các thuật toán để xử lý “big data”, các thuật toán cơ bản của data mining như “decision tree" (cây quyết định), clustering (gom cụm), "machine learning" (máy học), v.v...
 
3. Việc khai thác được các “big data" có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống như xử lý các bài toán gene trong bệnh học để từ đó tìm ra các phương pháp điều trị các căn bệnh do biến đổi/tác động gene gây ra như ung thư, HIV, .... hoặc áp dụng trong các bài toán kinh doanh như từ số liệu các hóa đơn trong siêu thị, bằng phương pháp cây quyết định người ta có thể biết mặt hàng A thường được mua chung với mặt hàng B, từ đó ta có thể để hai mặt hàng này ở hai kệ liền kề nhau để giúp người mua dễ dàng chọn lựa hơn.
 
Võ Quang Huy
Các tin khác
Xem tin theo ngày